Cuốn sách là câu chuyện về cậu bé Alvin hiếu động luôn thích nghĩ ra những trò nghịch ngợm. Mọi chuyện bắt đầu khi cậu được bố mẹ chuyển nhà đến khu phố mới, và từ đó gặp hai cậu bạn mới và đi học ở ngôi trường mới. Trong cuốn sách hơn 200 trang với nhiều hình minh hoạ sinh động, độc giả bị lôi kéo và bật cười theo hành trình hàng ngày của cậu khi ở nhà và ở trường. Alvin đã hóa giải mọi hoạt động học tập ở trường, với bạn bè cũng như kỳ vọng của người lớn bằng những trò tinh nghịch, hồn nhiên mà trí tuệ, đôi khi còn hơi “quá đà” nhưng đâu đó vẫn toát lên tính giáo dục sâu sắc.
Tác giả cuốn sách là một cậu bé Việt Nam chưa từng đặt chân đến Mỹ nhưng lại hóa thân vào một cậu nhóc sinh ra và lớn lên ở Mỹ với bối cảnh gia đình, bạn bè, trường học ở Mỹ đầy chân thực, sống động và hài hước. Đọc xong cuốn sách bạn có thể giữ trong lòng những thắc mắc như học sinh, cha mẹ và thầy cô ở Mỹ thì có gì khác biệt với ở Việt Nam? Nhưng cuối cùng có thể cười xoà và nghĩ rằng trẻ con ở đâu cũng vậy, luôn cần được yêu thương và tin tưởng để có thể trưởng thành lành lẽ.
Một cuốn truyện lôi cuốn, hóm hỉnh, vui nhộn nhưng cũng chứa đựng thông điệp ý nghĩa dành cho trẻ em, người lớn, các thầy cô và các bậc phụ huynh.
“Trong khi nhiều bạn học tiểu học đánh vật với những bài văn tả cảnh, kể chuyện, thậm chí loay hoay làm các bài tập sửa lỗi chính tả thì Khang Thịnh mải mê viết cả một cuốn truyện dài hai trăm trang với những câu văn tròn trịa. Alvin siêu quậy trong truyện của Thịnh ham chơi game, và là nhân vật đại diện cho không ít những cậu bé bằng tuổi cậu ngoài đời thực. Tôi đoán rằng nhiều bạn nhỏ sẽ thích thú khi đọc những trang viết về trẻ em của thời đại này từ góc nhìn của một tác giả đồng trang lứa bằng giọng văn hài hước. Và những người lớn nghiêm khắc, thay vì đặt câu hỏi đầy lo lắng rằng một đứa trẻ siêu quậy như Alvin rồi sẽ đi đến đâu, hãy cứ đọc những trang sách này để biết trẻ em nghĩ gì. Và xin đừng vội gọi tác giả của của cuốn sách này là thần đồng, thay vì thế, hãy cứ thưởng thức tác phẩm sáng tạo của em để bật lên những tiếng cười thích thú và góp sự khích lệ cho ước mơ sáng tạo của những em nhỏ khác. Trẻ em viết sách, tại sao không?”