CHƯA NỖ LỰC ĐỦ NHIỀU, SAO CÓ TƯ CÁCH TRÁCH ĐỜI BẤT CÔNG
Thức khuya dậy sớm ôn tập cật lực trước ngày thi nhưng kết quả lại không như mong muốn. Đời bất công?
Mỗi ngày đều đến công ty đúng giờ, hoàn thành tốt công việc được giao mà mãi không được thăng chức. Đời bất công?
Thích một người, hi sinh quá nhiều cho người đó nhưng lại không được đáp trả. Đời vẫn thật bất công?
Vậy chẳng hóa ra, đời trao cho bạn thứ bạn cần thì gọi là công bằng, còn không trao thứ bạn muốn thì đó là bất công? Định nghĩa về “công bằng” chỉ xoay quanh những gì bạn thích, bạn muốn, bạn cần thôi sao?
Thật ra chúng ta đều đang phủ lên sự công bằng một tấm áo choàng gắn đầy những suy nghĩ mơ mộng “Ước gì mình được như họ”, và rồi định nghĩa sai về nó. Ai mà chẳng thấy đời bất công khi bản thân thất bại, vấp ngã. Thế nhưng sau đó có mấy ai chịu cố gắng, chịu bắt tay vào thay đổi vận mệnh “không được ưu ái” của mình?
“Không có đời bất công, chỉ có mình thụ động” chính là lời cảnh tỉnh đối với một thế hệ chỉ biết than vãn, không dám nhìn vào thực tế, luôn rút mình trong cái “tôi” mơ mộng mà không chịu hướng ra ngoài thế giới, tiếp thu ý kiến, và nhận biết bản thân đang ở vị trí nào.
Có thể bạn sẽ không thích nghe điều này, nhưng sự thật là: bạn tốt tính ra sao, tài cán thế nào, đam mê cháy bỏng đến đâu, thì cũng không ai quan tâm. Điều xã hội này quan tâm là bạn đã, và sẽ làm được gì. Thủ khoa tốt nghiệp Đại học nhưng lại thất nghiệp, yêu công việc tha thiết nhưng hiệu quả làm việc chẳng ra sao… tất cả cũng chỉ bằng không.
Không tạo ra được thành quả thì bạn vẫn chưa là gì cả, chứ đừng nói đến việc tranh luận về sự bất công. Cuộc đời này công bằng lắm, chẳng qua bạn chưa đứng được ở vị trí có thể nhận ra điều đó mà thôi!