Cậu bé sẽ chỉ cho chúng ta nhiều điều bí mật thú vị, từ những bài học và những suy nghĩ “ông cụ non” trong cái đầu mười tuổi của cậu.
Cái nôi nuôi dưỡng cậu bé là làng quê bình dị, là bố mẹ giàu lòng nhân ái, tinh tế trong cảm nhận và sẻ chia, là những người láng giềng nồng hậu, nghĩa khí . Cậu cũng có rất nhiều bạn. Hơn hết, cậu có cả khu vườn nhà rất rộng, nơi mà bố đã dạy cậu điều tuyệt vời nhất, bố dẫn cậu ra vườn bảo cậu nhắm mắt, rồi hướng dẫn cậu chạm vào từng bông hoa và đoán tên, lúc đầu cậu toàn đoán sai, bố nói không sao cả, dần dần con sẽ đoán đúng, mà thật vậy, từng ngày rồi từng ngày, cậu đã đoán đúng tên từng bông hoa trong vườn, rồi bố lại bày cậu tập đoán khoảng cách đến bông hoa, cậu thích chí mỗi khi đoán đúng, cậu đoán chính xác khoảng cách đến nỗi chú Hùng hàng xóm phải thốt lên “Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần”, cũng nhờ “con mắt thần” này mà cậu đã cứu được bạn Tí khỏi chết đuối. Và Tí đã thành bạn thân nhất của cậu. “Con mắt thần” đã thành điều bí mật của hai bố con. Còn khu vườn trở thành điều bí mật của cậu. “Tôi đi nhẹ ra vườn. Tôi hiểu, khu vườn là món quà bất tận của tôi. Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là một món quà lớn, tôi nhắm mắt chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. Tôi la lên: “A! Món quà của tui đây rồi. Ôi! Cái món quà này bự quá!”.
Bố lại nghĩ ra trò chơi khác, bày cho cậu đoán hoa bằng cảm nhận từ mũi, cho đến khi cậu nhận diện được tất cả mùi hương của các loại hoa trong vườn, lần này “con mắt thần” nằm ngay mũi cậu. Cứ thế, từ khu vườn nhà, cậu học cách cảm nhận cuộc sống quanh mình, một khu vườn rộng lớn hơn, bí mật hơn, hương sắc cũng đa dạng hơn, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có khổ đau, có tự hào nhưng cũng có lỗi lầm và ân hận, có sinh ly tử biệt, có chia sẻ và yêu thương…
Cậu cũng học được cách vượt qua tự ti, biến khiếm khuyết của bản thân thành điều bí mật khác biệt của riêng mình, để từ cảm giác xấu hổ vì cái răng khểnh đáng ghét, cậu đã có thể ngày ngày tự tin mỉm cười khoe răng.
Còn với những khiếm khuyết của người khác, cậu lại biến nó thành sự đồng cảm. Cậu tình nguyện cho ông Tư cả bàn tay của mình sau khi nghe ông kể tại sao ông bị mất cả tay chân trong một trận pháo kích, ông Tư hỏi nhưng “làm sao ông lấy được”, cậu hồn nhiên nói “Dễ lắm. Thỉnh thoảng con chạy sang đây. Ông chỉ việc kêu lên: bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh. Thế là bàn tay sẽ chạy lấy cho ông ngay”. Ông cười khà khà: “Ôi hay quá! Thật là hấp dẫn, vậy mà ông không nghĩ ra được. Để ông làm thử nhé! Ông hắng giọng rồi sôi nổi nói- Bàn tay ơi!” “Ơi! Có tui đây!- Tôi nói to- Tui là bàn tay! Bàn tay xin tuân lệnh hoàng thượng!”.
Cậu cũng biểu lộ sự cảm thông và chia sẻ khi đến ngồi bên cô Hồng và nói: “Chừng nào cô khỏi bệnh, cô đan cho con chiếc nón len nhé. Con thích chiếc nón có nhiều tua và cái mũi dài dài.” Cô gật đầu, cậu nói tiếp: “Cô có thích ăn bắp rang không?” Cô lắc đầu nhưng mỉm cười với cậu, nụ cười đầu tiên từ lúc cô đánh mất em bé. Tối đó cậu nói với mẹ: “Mẹ ơi, hồi chiều cô Hồng cười với con, cô còn hứa đan cho con một cái nón len, mẹ có tin cô Hồng sẽ hết buồn khi ngồi đan nón không?” Mẹ trả lời “Mẹ tin”, bởi mẹ biết cậu vẫn nhớ lời mẹ nói “khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn, nhưng người khác sẽ vui hơn…Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi họ có thích ăn bắp rang không…”
Vẫn là trẻ con nên cậu vẫn thường háo thắng, đôi lúc lại hay ganh tị, thỉnh thoảng phạm lỗi nhưng ngại ngùng lúng túng nhận lỗi. Như khi quan tâm để ý đến hai ông cháu lão mù ăn xin lang thang trú chân ở sạp chợ, cậu muốn tặng cho bạn một con dế bắt ở vườn nhà mà không dám, khi đã tặng rồi lại nổi giận với bạn vì một lý do không đâu và xúc phạm bạn….để lúc nhận ra lỗi của mình muốn đến xin lỗi thì hai ông cháu lão ăn xin đã đi xa. Lúc đó cậu đã hiểu hơn lời của bố “Khi nhìn theo bóng một người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy “nỗi nhớ” của mình”. Cậu sẽ nhớ mãi người bạn chưa từng biết tên ấy, cùng nỗi ân hận về một lời xin lỗi chưa kịp nói.
Mở đầu sách là sự sống của bản thân, kết thúc sách lại là cái chết hụt của cậu bạn rất thân, chắc hẳn tác giả đã muốn nhân vật chính của mình nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc của một cậu chàng mười tuổi rất hồn nhiên, giàu tình cảm lại hay suy tưởng và triết lý.
Với tôi, “vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” thật sự là một bức tranh đồng quê dung dị, trong trẻo, sống động, đầy chất thơ, lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã mang lại cho tuổi thơ một món quà quý báu, và cho cả những người đã bước qua tuổi thơ một khoảng vườn suy ngẫm: hãy nhắm mắt và mở lòng -mở cánh cửa của chính mình- hãy nhìn cuộc sống bằng tất cả các giác quan để cảm nhận, để thấu hiểu, để yêu thương, để quan tâm và để nhớ.