“Ban đầu tôi tìm đọc cuốn sách vì tò mò muốn biết xem cô gái Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Future for Nature là ai, và con người với làn da rám nắng khỏe khắn, trang phục giản dị đứng hiên ngang trên nóc xe ở khu bảo tồn kia giỏi giang đến cỡ nào. Nhưng từ giây phút lật mở trang đầu tiên cho tới khi gấp lại, tôi hoàn toàn quên đi câu hỏi đó. Chỉ có chị Trang và những câu chuyện phiêu lưu kì thú, những trăn trở dấy lên trong lòng, những phút bình yên lạ lùng khi được bước chân vào một thế giới mới và những cảm hứng được thôi thúc mạnh mẽ khiến bản thân phải thay đổi, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, môi trường. Không nói nhiều nữa, theo dõi và áp dụng ngay những điều nhỏ nhặt có thể làm cho Trái Đất thôi!”
Chị là một nhà nữ bảo tổn động vật hoang dã – Nghề nghiệp của chị nghe thật oách! Hẳn không chỉ có chị, có tôi mà rất nhiều bạn trẻ khác, trong đời đã từng một lần mơ ước đặt chân tới những vùng đất hoang dã đầy nắng gió ở châu Phi, hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên ở đó. Bản thân tôi thì luôn hình dung ra cảnh mình tới đó để dạy học và giúp đỡ trẻ em nghèo, tham gia vào một chiến dịch vì hòa bình nào đó, để rồi sau một ngày làm việc vất vả giữa cái nắng nóng rát bỏng, tôi sẽ ngồi lặng thinh bên một hồ nước, ngắm nhìn rừng già và những loài động vật hoang dã hiền hòa. Và khi ánh tà dương buông xuống, tôi sẽ đắm chìm trong cảm giác bình yên sâu thẳm. Có lẽ ai trở về với Mẹ Thiên Nhiên rồi cũng sẽ có cảm giác như thế. Bởi vậy nên những trích đoạn tác giả ngồi bên hồ nước ở khu bảo tồn Ol Pejeta, ngắm nhìn đàn voi và nghĩ về tình cảm gia đình, hay những khoảnh khắc giữa chuyến đi rừng gian khổ, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp bỗng hiện ra khiến chị sững sờ,…đều rất lôi cuốn người đọc. Hiếm thấy những ngôn từ hoa lệ nhưng mỗi trang sách mở ra tựa như một thước phim sống động mà ta ngỡ có thể nghe, nhìn, ngửi và chạm tay tới vậy.
Cuốn sách kể lại những câu chuyện trên hành trình nghiên cứu về nhiều loài động vật hoang dã của tác giả, từ loài vượn cáo đặc hữu ở Madagascar, loài báo gấm ở Việt Nam, tê giác ở Kenya hay gấu ở Lào, Campuchia. Không giống một vài cuốn sách mang màu sắc phiêu lưu kí khác tôi từng đọc, Trở về nơi hoang dã thỏa mãn người đọc nghiêm túc bởi những thông tin và những trải nghiệm rất thực về một ngành nghề vốn được ít người hiểu rõ, bảo tồn động vật hoang dã. Những thuật ngữ chuyên ngành, những phương pháp nghiên cứu, những thông tin khoa học được đưa vào không hề khiến cuốn sách khô khan, mà trái lại còn khiến ta đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị khác.
Tôi chưa từng biết rằng voi đồng cỏ châu Phi là loài sống theo tập quán mẫu hệ, và rằng con đầu đàn là voi bà lớn tuổi nhất, sẽ truyền lại kinh nghiệm về kiếm ăn, tìm nguồn nước hay tự vệ trước kẻ thù cho những voi mẹ, voi dì, voi chị,… để bảo vệ đàn. Tôi chưa hề nghĩ tới việc nạn săn bắn tê giác hay voi mẹ lấy sừng, ngà chẳng những khiến số cá thể này giảm đi nghiêm trọng mà còn để lại những con non mồ côi, yêu ớt và hầu như không có khả năng tái hòa nhập hoang dã bởi chúng đã chẳng còn mẹ để học hỏi những kĩ năng sinh tồn nơi tự nhiên. Tôi cũng sững sờ tới đau lòng khi biết những chú gấu, voi, khỉ,…bị nuôi nhốt quá lâu sẽ gặp phải vấn đề tâm lí trầm trọng, hay còn gọi là chứng thần kinh, kể cả khi đã được giải cứu. Những câu chuyện thương tâm về chú tê giác Boka hay chú gấu Pola thường làm tôi nghẹn ngào không thể đọc tiếp.
Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ đi xem xiếc thú, ăn thịt thú rừng hay sử dụng bất cứ sản phẩm gì từ động vật hoang dã. Thật lòng, tôi có cảm giác ghê tởm khi nghĩ tới những điều đó! Thật mỉa mai thay khi nguyên nhân dẫn tới sự ra đi của những loài động vật ấy lại đến từ một nơi xa xôi ngoài châu Phi
Nhiều người dân khốn khổ sống ven các khu bảo tồn, khi đứng trước lựa chọn cứu lấy chính mình hay cứu lấy thiên nhiên, họ đành ngậm ngụi trở thành tay sai cho tội ác. Câu chuyện tương tự có lẽ cũng xảy ra với công cuộc bảo vệ rừng và động vật hoang dã ở Việt Nam. Trong sự bức xúc muốn đổ lỗi cho nhiều bên, tôi lại càng cảm phục những nhà bảo tồn như chị Trang, chú Samuel, anh Brian, hay các anh kiểm lâm dũng cảm khác. Họ đã giữ được lý trí mạnh mẽ để vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm để tiếp tục con đường thầm lặng của mình. Dù có phải đối mặt với những thất bại, dù đồng đội có ngã xuống và những chú tê giác vẫn ra đi, họ vẫn tiếp tục, không một phút ngừng nghỉ. Đôi lúc tôi nghĩ, có đáng không khi họ giành giật sự sống và nhất quyết bảo vệ mấy chú tê giác già mà cái kết tuyệt chủng dường đã được định sẵn. Thật như muối bỏ biển!
Nhưng không, bởi vì vạn vật đều có quyền sống, và rằng ngay giây phút những nhà bảo tồn từ bỏ, án tử sẽ rơi thẳng xuống những sinh vật đáng thương, trong tích tắc. Vòng bảo vệ được duy trì càng lâu thì chúng ta càng có thêm hi vọng một ngày nào đó, khoa học đủ phát triển để tái tạo lại các loài ấy dựa trên nguồn DNA có sẵn hoặc ý thức con người sẽ tốt dần lên và nguy cơ tuyệt chủng được đẩy lùi. Tham vọng ấy có thể xa xôi quá, trước mắt, khi bắt đầu một sứ mệnh người bảo vệ, họ chỉ đơn giản là không bao giờ buông tay.
“ Có lẽ chúng ta không thể cứu được tất cả muôn loài, nhưng nếu không cố gắng, chúng ta sẽ mất đi tất cả”
Cuốn sách là bài học về niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê đó. Thực lòng thì tôi nhận thấy đây là điểm chung của tất cả những người thành công, tất nhiên rồi, và vì thế mà đọc bất cứ cuốn sách nào về họ, ta cũng lĩnh hội được bài học này cả. Nhưng điều khiến tôi thích ở cuốn tự truyện của chị Trang là chị ít khi nói bạn phải làm thế này thế kia. Chị chỉ đơn giản là kể về cuộc đời của mình, rất thật, đến nỗi nhiều chuyện tôi còn nghĩ có cần phải thẳng thắn thế không! Không có gì thuyết phục bằng sự thật. Những điều Trang nghĩ, những lời chị nói, những thái độ kiên quyết của chị đã nói lên tất cả, rằng con đường của chị chông gai thế nào và chị đã vượt qua nó ra sao. Cũng phải nói thêm, bên cạnh những điều mà mọi người hay tung hô như lòng quyết tâm và đam mê mãnh liệt, cuốn sách cho tôi hiểu thêm rằng sự đào tạo chuyên sâu bài bản là vô cùng quan trọng. Nếu không nhờ được đào tạo ở môi trường danh tiếng như trường Đại Học Cambridge, được học hỏi và làm việc với những chuyên gia lừng danh trong lĩnh vực, chắc chị cũng chưa thể tự tin triển khai những dự án nghiên cứu hiệu quả và ảnh hưởng như thế. Vì vậy, tôi học hỏi được ở chị không chỉ tình yêu với thiên nhiên, niềm đam mê mà còn cả sự chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm trong công việc. Tác giả trìu mến, đầy cảm thông với thiên nhiên hoang dã bao nhiêu thì cũng cương quyết và nghiêm túc khi làm việc bấy nhiêu. Như người ta hay nói là có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Đó là phẩm chất cần thiết của bất kì nhà nghiên cứu khoa học nào.