Tetsuko – bà viết cuốn sách với mong ước được sống lại những kỉ niệm về thời thơ ấu, nơi có mái trường Tomoe, thầy Kobayashi, những người bạn, chú chó Rocky,… và hơn hết là để truyền bá các phương pháp giáo dục của ông Kobayashi – ông giáo – tàu trưởng – người luôn hết lòng nâng niu nụ cười, ước mơ, khám phá “bản chất” tốt đẹp của trẻ em, giúp các em có những trải nghiệm đầu đời thực sự ý nghĩa, từ đó tác động rất lớn đến sự phát triển sau này của mỗi người. Totto-chan là một ví dụ như thế. Em đã bị trường cũ đuổi học, nghe giống như em là một đứa trẻ hư, nhưng thầy hiệu trưởng Kobayashi thì luôn tin rằng em là một cô bé ngoan, thầy luôn tìm cách giúp em được tự tin khi là chính mình, khai thác những điểm mạnh của em và trao cho em môi trường để phát triển. Chính những điều ấy đã giúp Totto-chan (chính là bà Tetsuko) – lớn lên trở thành ngôi sao truyền hình được yêu thích nhất của Nhật Bản, người dẫn chương trình của ba chương trình với hàng triệu khán giả và là “người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản”.
“Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” là cuốn truyện gối đầu giường của của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt gần 4 thập kỉ nay, những câu chuyện nhỏ bé đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuốn sách sẽ khiến độc giả rút ra nhiều bài học đắt giá cho riêng mình.
Những bài học được rút ra từ cuốn sách.
Nếu Totto-chan không được mẹ gửi gắm đến trường Tomoe, không được gặp thầy hiệu trưởng Kobayashi – người thầy luôn tin tưởng em là một cô bé ngoan thì chắc sẽ chẳng bao giờ đất nước Nhật Bản có cơ hội sản sinh ra một minh tinh màn bạc, một cây viết xuất sắc là Tetsuko Kuroyanagi. Từ câu chuyện của Totto-chan, chúng ta có nhiều điều phải suy ngẫm.
Thứ nhất, luôn đặt niềm tin vào trẻ em. Đứa trẻ nào cũng có bản chất tốt đẹp, và mục đích của giáo dục là khám phá “bản chất” của các em và phát triển nó, để giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng.
Thứ hai, giáo dục không nên khiên cưỡng, nên giúp các em phát triển hài hòa về thể chất, tâm hồn và trí tuệ.
Thứ ba, tất cả trẻ em đều đáng được yêu thương, trân trọng và giáo dục thật tốt
Thứ tư, hãy giáo dục trẻ em không chỉ bằng trình độ, đạo đức mà còn phải bằng tất cả tình yêu thương.
Thứ năm, ước mơ của học sinh chính là mục tiêu của giáo dục.
Ông Kobayashi thường nhắc nhở các cô mẫu giáo đừng gò ép các cháu vào những khuôn mẫu định trước. “Hãy để các cháu phát triển tự nhiên”, ông nói “Đừng cản trở khát vọng của các cháu. Ước mơ của các cháu lớn hơn mơ ước của các cô”. Trước đó chưa có một trường mẫu giáo nào như thế ở Nhật Bản.
Và mục tiêu của giáo dục chính là nâng niu và giúp các em thực hiện ước mơ của mình.
Đánh giá sách:
Cuốn sách khi tái bản dày hơn 300 trang một chút, những mẩu chuyện ngắn đan xen cuộc sống sinh hoạt của Totto-chan có thể dễ dàng đọc hết trong vài giờ đồng hồ, nhưng những gì ấn tượng và đọng lại trong tôi thì nhiều hơn thế. Thực sự, cuốn sách này không chỉ là những câu chuyện mẹ kể cho bé nghe, nó thực sự thức tỉnh những người lớn khi tiếp xúc với trẻ em nên khéo léo thế nào để không làm dập tắt niềm hi vọng và ước mơ non trẻ của các em. Giáo dục trẻ em là chức trách cao cả và tuyệt vời, những bài học nên được đi kèm với tình yêu, và cả niềm tin nữa.
Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận thấy là tất cả trẻ em đều hồn nhiên như thế. Đôi lúc các em vô tình nghịch ngợm, bày trò chỉ vì các em quá tò mò và hứng thú trước thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh. Chúng ta là người lớn, nên ta thấy những điều ấy là bình thường, và đôi khi những hành động khám phá thế giới của các em bị cho là phá phách, hư đốn,.. và ta cấm đoán những đứa trẻ. Điều ấy thực sự chưa phải là một cách giáo dục đúng, để trẻ tự khám phá thế giới theo cách riêng, hướng trẻ đến những bài học thú vị và lành mạnh, và dạy trẻ chịu trách nhiệm với chính hành động của mình.
Đã gần một thiên niên kỉ trôi qua nhưng hệ thống giáo dục của ông Kobayashi hầu như vẫn còn rất mới mẻ và độc đáo. Chúng ta có thể áp dụng một trong những bài học ấy để giúp nhiều trẻ em có thêm tuổi thơ trọn vẹn hơn.