Ngôn ngữ kể khi thì rủ rỉ rù rì, đầy xúc cảm, lúc thì lại lí lắc, dí dỏm, khi thì dồn dập gay cấn, cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua cuốn sách Tết xưa thơ bé.
Khoảnh khắc thấy ánh mắt con rạng ngời, miệng cười hớn hở khi mặc tấm áo Tết mới, trái tim của bà mẹ trẻ Hương Thị cũng phập phồng sống lại những kỉ niệm thời thơ bé. Tuổi thơ của một đứa trẻ những năm hậu bao cấp tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng ắp đầy sắc màu và nồng ấm yêu thương.
Nương theo kí ức của Hương Thị, ta được sống trong khung cảnh của một thị trấn nhỏ Bắc bộ những năm 80 của thế kỉ trước, sống cùng vui buồn của một cô bé lí lắc, lắm chiêu.
Tết mang theo bao nỗi lo toan của người lớn nhưng lại là niềm phấp phỏng chờ mong của những đứa trẻ. Suốt cả năm, bà và mẹ đã phải chuẩn bị chăm cho nải chuối to, chăm cho đàn gà lớn, lo lắng chạy vạy để mâm cỗ đủ đầy, có cành đào trưng Tết, có tiền mua cho con tấm áo mới…
Với những đứa trẻ thì Tết là dịp duy nhất trong năm được ăn no nê thỏa thích, với vô vàn món ngon, được mặc quần áo đẹp, được xúng xính đôi giày mới, được “phát vốn” để có chút của riêng… Tết là thời khắc đặc biệt, thiêng liêng với những đứa trẻ.
Độc giả nhiều phen dở khóc dở cười cùng cô bé Hương Thị lật đật khi trong một ngày đầu năm mới mà cô phá vỡ rất nhiều tục lệ kị hèm như không được nói những điều xui xẻo, không để bị đòi nợ ngày đầu năm mới, tránh đổ vỡ… Chỉ duy tục “không quét nhà” trong suốt những ngày Tết là khiến cô bé sướng rơn.
Cuốn sách của Hương Thị giống như lời thủ thỉ của một bà mẹ, kể lại cho con nghe những kí ức về Tết của một thời chưa xa, nhưng có lẽ đã khá lẫm lắm với những đứa trẻ hôm nay.
Ngôn ngữ kể khi thì rủ rỉ rù rì, đầy xúc cảm, lúc thì lại lí lắc, dí dỏm, khi thì dồn dập gay cấn, cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.