Là con út trong một gia đình có ba là người gốc Huế, mẹ là người miền Nam, Võ Hoàng Nhân được dưỡng dục với những nét đặc trưng vùng miền khác nhau. Nhờ học được cả lối sống chịu thương, chịu khó của người miền Trung quen nắng gió và tính cách hòa đồng, chân phương của người miền Nam dung dị, Võ Hoàng Nhân đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể trở thành một đầu bếp đa năng: ngoài những lúc vào bếp thì đôi khi anh còn làm giảng viên đại học, lúc là doanh nhân, rồi thêm cái nghề cũng hay hay mà mọi người vẫn gọi vui là “làm người nổi tiếng”: diễn viên – đầu bếp. Nếu mở tivi lên để xem những chương trình như Cuộc chiến mỹ vị, sitcom Mỹ nhân vào bếp, Mình ăn trưa nhé hay Thiên đường ẩm thực, bạn đọc sẽ thấy ngoài nấu nướng giỏi, Võ Hoàng Nhân diễn xuất cũng chẳng kém ai. Nhưng cho dù có đa năng đến thế nào, Võ Hoàng Nhân vẫn luôn giữ trong mình một tình yêu lớn với ẩm thực. Anh đã dùng tình yêu đó để đặt bút viết MÓN XƯA VỊ NAY. Quyển sách đầu tay được Võ Hoàng Nhân gói ghém lại trong một dung lượng vừa đủ 100 trang, với hai phần chính: Kỷ niệm trong món xưa và Thăng hoa trong vị nay. Như bất kỳ quyển sách ẩm thực nào khác, phần lớn dung lượng vẫn được dành để trình bày những công thức các món ăn. Cái khác ở đây ở MÓN XƯA VỊ NAY còn có những trang viết rất tình cảm, mộc mạc, mộc mạc như chính con người tác giả, nhờ vậy mà độc giả có thể cảm thấy như mình đang ngồi nghe tác giả kể chuyện. Chuyện mình, chuyện nghề, chuyện đời.
Kỷ niệm trong món xưa là những món ăn bình dị mà Võ Hoàng Nhân đã từng được thưởng thức khi còn là một cậu bé. Sự bình dị ấy ăn sâu vào máu thịt, và nó hình thành một phần tính cách ẩm thực Võ Hoàng Nhân của sau này. Đó là món cá trê vàng mà người mẹ đánh kính thường chế biến bằng cách chiên giòn với mỡ, cuốn rau cải con và dùng kèm nước mắm gừng. Hay hương vị của lọai nước mắm bình không mấy tên không tuổi, Võ Hoàng Nhân đã dùng những chất liệu đó để làm nguyên liệu cảm xúc cho rất nhiều món ăn được trình bày trong phần này. Cũng chính tại đây, Võ Hoàng Nhân bộc bạch những kinh nghiệm trong nghề bếp để các bạn trẻ có đam mê dễ hình dung hơn về nghề này.
Bước sang phần hai: Thăng hoa trong vị nay, độc giả lại được biết đến một Võ Hoàng Nhân thích làm mới món ăn xưa theo cách của mình. Từ đó thổi hồn đương đại vào sức sống vốn dĩ đã bền lâu của ẩm thực Việt xưa. Từ những món ăn về mẹ, món ăn miền quê đến món chay, Võ Hoàng Nhân đều không ngừng tìm tòi để thăng hoa từng hương vị. Bạn đọc cũng sẽ tìm thấy một vài món ăn mà chắc chỉ có trong quyển sách này mới được trình bày trọn vẹn đến vậy. Vịt lọng hon xôi là một ví dụ.
Suốt chiều dài cuốn sách, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đó là: “KHÔNG CÓ ÁP LỰC SẼ KHÔNG CÓ KIM CƯƠNG”. Nghề làm bếp, là nghề mà tác giả đã và đang chọn để đi cho bằng hết trong cuộc đời muôn màu, dù lắm lúc gian truân nhưng anh vẫn tin là cái giá mình trả là xứng đáng để học bài học vô giá về sự kiên trì nhẫn nại. Và nói như tác giả: “Tôi ước mong sao những bạn trẻ quyết định gắn bó với nghề bếp sẽ dạo chơi qua quyển sách này với một nụ cười để thấy rằng nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng, miễn là luôn phấn đấu nỗ lực vươn lên.” Hãy mở sách ra và cùng nghe Võ Hoàng Nhân kể những câu chuyện bằng ẩm thực!